27.2.07

Thơ HỒ CHÍ BỬU -- VÕ VĂN LUYẾN -- TRẦN NGỌC TRÁC

HỒ CHÍ BỬU



+ Hiện đang sống và làm việc tại Tây Ninh:
8/30 Hiệp Bình, Hiệp Ninh, Tây Ninh
ĐT.: 066.822911 & 0909 790932
Điện thư: hochibuuhuely@yahoo.com

+ Thơ đã xuất bản:
-- Những cái nhìn qua khung kính (1969)
-- Con gái (1970)
-- Mê khúc cho cuộc tình buồn (1971)
-- Tình khúc cho em (1972)
-- Trên đỉnh Cao Sơn (1972)
-- Nếu ngày mai giải ngũ (1973)
-- Trên nhánh tình hồng (1975)
-- Phía trước (nhiều tác giả, 1979)
-- Xuống núi (2005)
-- Hạnh ngộ (2006)

Ngày mùng 8 Tết, đầu năm Đinh hợi HB7,
“Web Giao lưu của những người cùng thời” vừa nhận được tập thơ mới xuất bản của ông: “Tự mình đưa tay cho em trói” (Nxb. Văn Nghệ, 11-2006). Trân trọng mời các nhà thơ cùng đọc vài bài thơ trong tập:

Chợ Kà Tum

Anh gửi lại đây hồn phiêu lãng
Mây trắng ngàn năm vẫn mịt mù
Có anh lính trẻ buồn không nói
Chống súng đứng nhìn qua chiến khu.


Tự mình đưa tay cho em trói

Em trói anh bằng sợi tóc mềm của em
Em giam anh trong trái tim bí ẩn
Sợi tóc mỏng manh sao anh gỡ hoài không được
Trái tim không có chấn song sao chẳng có lối ra

Em ru anh bằng những lời ca
Tiếng hát cô đơn của một thời xa vắng
Tiếng hát bềnh bồng trôi trên dòng sông phẳng lặng
Bỗng hoá thành cơn giông -- bão táp -- cuồng phong

Có phải chăng tại sông nước cùng dòng
Ta bắt gặp một trái tim đồng cảm
Sa mạc mênh mông với một trời nắng hạn
Cơn mưa rào đem cho cuộc sống hồi sinh?

Em yêu ơi!
Quỹ thời gian ta đã xế bình minh
Hãy gấp gáp giống như mình vội vã
Ta muốn rót vào trái tim băng giá
Ngọn lửa tình cháy bỏng thuở hai mươi… (*)

Hồ Chí Bửu

(*) Bài thơ đã được Phạm Hồng Thuý phổ nhạc –
bản nhạc được làm phụ bản cho tập thơ.





VÕ VĂN LUYẾN

Trân trọng mời xem:
http://tranxuananbinhtho.blogspot.com
(Trần Xuân An,
“Ngẫu hứng đọc thơ”, bài “Đọc thơ Võ Văn Luyến”, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005)
và đọc thêm những bài thơ mới viết của Võ Văn Luyến ở
“Web Giao lưu của những người cùng thời” này.

Sự trinh bạch của ngọn nến

Anh chú thích cuộc đời anh vào chỗ cuối cùng của trang giấy còn lại
bằng những con chữ trinh bạch
sự trinh bạch của ngọn nến tự huỷ
không đồng loã với bóng tối

Anh từng bật khóc
và từng nhìn người đời khóc nhiều về nỗi bất hạnh
nhưng vẫn yêu hơn những giọt lệ nến
bởi chúng không như sương khói chóng tàn
chúng biết đóng dấu nỗi đau trên mặt đất

Đấy là thú đau thương được cấy trên cánh đồng khát vọng

Anh chú thích cuộc đời anh bằng nỗi đam mê
Không hề che giấu
Không biết hoá trang
Không mặc cả thiệt hơn

Thế mà chả ăn thua gì
trước sự trinh bạch của ngọn nến!


Sẽ có ngày tôi về

sẽ có ngày tôi về đợi nắng
nghe thời gian chầm chậm ráng mây chiều
bước tha thẩn như chim chuyền tìm bạn
ai gọi tôi sau đám lá xanh rêu

sẽ có ngày tôi về đợi gió
tóc nâu non ngợp cả con đường
mùi hương lạ lọt vào lối ngõ
tôi rót vào tôi chật nỗi yêu thương

sẽ có ngày tôi về đợi tuổi
xin dòng sông con sóng vỗ mê xưa
xin câu hát mặn hết lòng của muối
trên môi thơm quả ngọt ai thưa

sẽ có ngày tôi về đợi cúc
sắc vàng mơ vùi giấc chiêm bao
con bướm trắng cuối vườn bay cô độc
như là tôi lạc phía ca dao *

* Ca dao có câu:
Bông cúc vàng nở ra bông cúc tím
Em có chồng rồi trả yếm cho anh
Bông cúc vàng nở ra bông cúc xanh
Yếm em thì em giữ, yếm chi anh mà anh đòi.



Lục bát ở biển

em về tìm dấu chân xưa
mây giăng khuất nẻo ngày thưa vắng người
biển vẫn là biển đấy thôi
sóng xao xao cả tiếng cười giòn tan
chiếu chăn trời đất mịn màng
đêm gấm vóc, đêm lần tràng hạt rơi

em về thả gió lên trời
thả trăng soi dẫn tình tôi lạc đường
thả câu Kiều vào nhớ thương
thả phấp phới vào nõn nường ca dao
vát vàng luỵ dấu yếm đào
dã trang ngơ ngẩn, vì sao bơ thờ

em về chim hót bâng quơ
cá tôm búng nhảy lên bờ vai thon
nghe con tim biển bồn chồn
triều dâng mắt biếc, đàn buông tiếng chìm
em về thức dậy bình minh
hoa xuân nở giữa biển tình nhân gian.

Trại sáng tác Cửa Lò,
Tháng 8-06

Võ Văn Luyến
(giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị)
Cột km số 3, Đường 9, thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Điện thư: luyen_vv@qtttc.edu.vn





TRẦN NGỌC TRÁC



+ Còn có bút danh Trần Trọng Văn
Sinh tại Huế
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Hội viên Hội VHNT. Lâm Đồng
Đạo diễn, biên tập văn nghệ Đài Phát thanh Lâm Đồng

+ Tác phẩm in riêng:
-- Hoa trinh nữ (thơ, Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 1990)
-- Hương lửa (thơ, Nxb. Văn Học, 2001)
-- Từ Ba Tơ đến chiến trường 3 nước (hồi ức Lê Kích, Nxb. [?], 2006)
-- Ngọn gió lang thang (thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2006)
-- Từ thanh đàn hình cánh hạc (thơ TNT [phổ nhạc], Nxb. Âm Nhạc, 2006)

Nhận được tập thơ
“Ngọn gió lang thang” của Trần Ngọc Trác cách đây đã mấy tháng, nay mới có được chút thì giờ trầm lắng để đọc thơ anh.

Ngọn gió lang thang

Ta như ngọn gió
qua đồng um khói
mùi phân trâu thoang thoảng
hương lúa nồng nàn

Khuôn mặt sạm đen
gió Lào táp mặt
bão cuốn mưa sa
ngày đông giá rét

Con đường theo tháng năm
ta đi
chẳng biết tận cùng

Gió vẫn là gió
theo mây
qua những lũy tre làng
lá kim rụng đầy khắp lối
theo mưa làm nên bão lớn

Gió vẫn là gió
bình yên
với mái tranh
vách đất thấp tè
cửa cài then bằng mắt lưới tre

Gió vẫn là gió
bình yên
với tiếng sao diều
dìu dặt canh khuya
và mơn man trên chùm tóc để chỏm
của lũ chăn trâu
chiều về

Xốc vác cánh đồng bờ thấp bờ cao
lối vào làng một con đường đất nhỏ
cỏ mọc ven bờ
râm ran tiếng ếch

Ta như ngọn gió
khoả đầy làn da bưởi nám khô
một chút yên lành dịu ngọt
cho lá trong vườn
mơn mởn xanh non
và khua đi
cái oi nồng bực bội
mùa hạ phượng hồng cháy đỏ ùa về

Em đạp xe lo dốc
mái tóc buông lơi
chưa kịp thắt nơ màu xanh lục

Ta như ngọn gió
cuống quýt
bay tìm
cánh hồng nhỏ cài lên tóc…

Có lãng mạn không?
ơi em
cô gái cứ đạp xe hoài trong ký ức
bàn chân em thon nhỏ
đôi guốc học trò còn đó dấu son

Vòng xe quay
như cuộc đời của gió
lang thang khắp nẻo đi về

Ta như ngọn gió
lang bạt thị thành
gạch ngói đỏ au
mái phố rêu phong một thời dĩ vãng

Cổ tích xưa
ở lại sau lưng
tuổi thơ vụng dại

Mắt ta như gió
nhìn tự lòng thấy nao nao buồn
vẫn văng vẳng đâu đây
tiếng ai gọi nhau
í ới
(những âm thanh
ngỡ chẳng bao giờ có nữa
giữa phố đông người qua!)

Gió vận ở trong ta
những đêm khuya khắc khoải
nhớ về em
vụng về cô gái nhỏ

Gió dặn lòng
yêu đến khôn nguôi
những lối quen đường cũ…

Phố đêm
Vàng vọt ánh đèn cao áp
mặt đường loang loáng
màu hắc ín
vốc lên từ biển cả
còn đâu mượt cỏ
gió đi về tình tự đêm đêm

Mặt sông
cũng cồn cào xoắn xít
tìm nhau trong lặng lẽ

Ngọn gió
qua đời ai
ở lại không về
để sóng gợn mặt sông
lòng lao xao gợn sóng?

Ta ngọn gió
đi từ cao nguyên về nơi biển rộng
về thẳm thẳm cánh đồng
lắng sâu

Ngọn gió
quất vào đời ta, tỉnh ngủ

Ta đi trong gió
mơ màng
chốn xưa, người cũ…

Đà Lạt, 13-VI-03
Trần Ngọc Trác

.

HỒ CHÍ BỬU -- Chùm thơ từ Tây Ninh: trong "Xuống núi"

HỒ CHÍ BỬU


MÙA XUÂN VÀ NGƯỜI TRỒNG RỪNG

tặng Vũ Ngọc Giao

Cuộc sống của ta giờ quá đã
Sáng ra chim hót ở trên cao
Tối nghe vượn hú vui chi lạ
Sáng tắm suối nguồn tối tắm ao

Ta sống ở đây mười bốn tháng
Dưới kia thung lũng ắp đầy hoa
Bạn ta một lũ đầy ngạo mạn
Gối gỗ quen rồi quên gối da

Có bữa cơm chiều mưa tầm tã
Khói quyện lên trời bay lãng du
Ngồi nhớ chuyện đời cười ha hả
Bỏ phố lên rừng đâu phải ngu

Sau buổi mưa chiều hoa kết trái
Ta mất một đàn bướm thật xinh
Nhớ em ta ngắt cành hoa dại
Nhờ gió đưa hương gọi chút tình

Người ở phố phường khua tiếng hát
Rượu uống suốt ngày say lại say
Ta ở phương nầy mang đánh bạc
Cuộc đời sự nghiệp lẫn tương lai

Người ở phố-phường-nhiều-gái-đẹp
Nhà lầu giường nệm thật là sang
Ta ở phương nầy tay rìu thép
Đắc chí chỉ trời ca hát vang

Sáng ra ta hít đầy khí mát
Tội em cát bụi dưới phố hồng
Ở đây ta có ngàn cung nhạc
Tội em dưới thế có bằng không

Ta đứng đây cười bằng kiêu hãnh
Lâu quá thành quen cũng cố lỳ
Râu tóc mọc dài không thợ hớt
Ta sống như là tên hyppy

Có bữa hứng vào lên bản thượng
Dẫn theo vài chú thợ chưa già
Nhiều tên còn muốn xin làm rể
Rượu cần dăm hũ uống như pha

Cuộc sống của ta giờ quá đã
Hồn nhiên nên mãi vẫn không già
Thành phố nghe quen mà xa lạ
Tết đến ở rừng chơi … hết ga.

(trong tập “Xuống núi”,
Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005, tr. 58-61)



PHỐ NHỎ MÙA XUÂN

Rất lặng lẽ – một mùa đông sắp hết
Gió giao mùa làm cái lạnh se môi
Cũng lặng lẽ – một mùa xuân sắp đến
Đến hay đi vẫn nhịp chảy dòng đời

Ta xuống phố – nhìn tóc dài, tóc ngắn
Có gì đâu? Khi nhìn chậm một người
Như giọt rơi đầu ngày, cà phê đắng
Bỗng thấy mình trở lại tuổi đôi mươi

Đốt điếu thuốc cho cay xè đôi mắt
Áo hoa vàng khi nắng rớt trên vai
Thời tuổi nhỏ ta lao vào đuổi bắt
Một cái gì không có ở tương lai

Cô hàng nhỏ – ly cà phê uống vội
Em thấy gì trong nắng mới mùa xuân
Ngơ ngác làm chi – cho ta thêm tội
Tóc thề chi? Ta lạc giữa muôn trùng

Khe khẽ nhé, mùa xuân về rất chậm
Bên góc đời ta ngồi nhặt hoa rơi
Cứ nhầm tưởng tim mình như tĩnh vật
Nào hay đâu vẫn rung động tuyệt vời!

(trong tập “Xuống núi”,
Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005, tr. 22-23)



XUÂN THÌ THẦM

Tóc đang ngắn, nhưng sẽ dài trở lại
Mái tóc thề xưa anh đã nâng niu
Em vẫn thế, với nét buồn hoang dại
Đã làm anh ngơ ngẩn biết bao chiều

Phố mùa xuân đang ngập ngừng đếm bước
Khi em qua hoa lá cũng thẹn thùng
Anh cũng thế – ngập ngừng – ai biết được?
Nói điều gì … nhưng tim đập run run

Phố mùa xuân rất nhiều tà áo lạ
Nhưng chỉ áo em đẹp nhất trên đường
Nhiều má hồng, nhưng má em hồng quá
Má em hồng hay tại nắng vương vương

Anh làm thơ nên cả đời mơ mộng
Những mộng mơ đem chứa cả ga đời
Lòng khinh bạc nhưng vẫn hoài hy vọng
Nắng bên trời và nắng sẽ hồng thôi…

(trong tập “Xuống núi”,
Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005, tr. 46-47)



THƠ GỞI NGƯỜI MIỀN TÂY

tặng Phù Sa Lộc

Tết năm nào ngươi về Tây Ninh
Điện cho ta ra ngay quán nhậu
Xe đạp ư? Ta không xe gắn máy
Nể bạn bè, ta đi xe ôm!

Đến nơi thì ngươi vừa lên núi
Bà Đen cao, ta thấp lè tè
Thì thôi, trở về nơi xuất phát
Chiều ba mươi ta ngồi im re

Tội nghiệp người “miền Tây hoang dã”
Bìm bịp kêu nước lớn nước ròng
Mùa xuân về người ta hái lộc
Ngươi chống xuồng hái giữa thinh không

Thương miền Tây vừa qua cơn lũ
Chút ngậm ngùi trong nắng mùa xuân
Xin sẻ chia với người cố xứ
Một nỗi đau mất mát khôn cùng

Rồi mai mốt ngươi về thăm lại
Tây Ninh, để thấy tuổi đã buồn
Ta vẫn muốn thêm lần đối ẩm
Ngắm mai, nhìn ngọn khói trong sương.

(trong tập “Xuống núi”,
Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2005, tr. 68-69)


Hồ Chí Bửu


Gửi qua Yahoo & bưu điện, hạ tuần tháng 2 HB7
Đưa lên web GLCNNCT.: 17 giờ 02, 27-02 HB7

.

.